NGHIÊN CỨU SINH TRƯỞNG, SINH KHỐI VÀ KHẢ NĂNG HẤP THỤ CO2 CỦA CÁC DÒNG KEO LAI (ACACIA HYBRID) TRỒNG TRÊN DẠNG ĐẤT 2 CỦA LẬP ĐỊA RỪNG KHỘP TẠI HUYỆN EA SÚP TỈNH ĐẮK LẮK
Abstract
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích rừng khộp là 189.600 ha, chiếm 32% diện tích đất có rừng toàn tỉnh. Huyện Ea Súp có diện tích đất rừng khộp là đất xám trên đá cát và granit (Xa) có diện tích 99.684ha chiếm 56,46% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Trong loại đất (Xa) có dạng đất loang lỗ, tầng đất mỏng dưới 75cm (dạng đất 2) chiếm khoảng 60% diện tích đất (Xa). Điều kiện lập địa dạng đất này khắc nghiệt, có tầng đất mỏng dưới 75cm và biến thiên rất lớn trên diện tích hẹp, có nơi xuất hiện lớp sét bí chặt hoặc có đá ong. Mùa khô nắng nóng, khô hạn, nhiệt độ không khí cao, mùa mưa có vùng bị ngập úng. Hiện nay đã và đang gây trồng một số loài keo (Acacia) trên vùng đất này, trong đó loài keo lai (Acacia hybrid) là loại cây trồng tỏ ra thích hợp nhất vừa có giá trị kinh tế cao vừa bảo vệ và cải tạo môi trường đất và môi trường không khí tốt. Tiến hành đánh giá sinh trưởng, sinh khối, khả năng hấp thụ carbon và CO2 của các dòng keo lai: BV10, BV16, BV32, BV33, BV71, KL2, KL20, TA3 giai đoạn 5 năm tuổi. Kết quả đã xác định được dòng keo BV10 là dòng cho sinh trưởng, sinh khối và khả năng hấp thụ CO2 vượt trội hơn các dòng còn lại. Với thể tích toàn thân đạt (0,0361 m3/cây), sinh khối tươi đạt 105,2 tấn/ha, sinh khối khô đạt 52,9 tấn/ha và lượng cacbon tích luỹ đạt 26,5 tấn/ha và lương CO2 tích luỹ được là 97,1 tấn/ha.
References
Công ty cổ phần tập đoàn Đất Việt. (2011), Dự án điều tra xây dựng bản đồ đất huyện Ea Súp vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của huyện Ea súp, tỉnh Đắk Lắk.
Võ Đại Hải (2007), Nghiên cứu sinh khối cây cá thể Keo lai theo phương pháp thiết lập ô tiêu chuẩn cho 4 cấp rừng trồng Keo lai khác nhau, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (4), Hà Nội.
Võ Đại Hải, Đặng Thái Dương và cộng sự (2009), Nghiên cứu khả năng hấp thụ carbon và giá trị thương mại carbon của một số dạng rừng trồng chủ yếu ở Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
Vũ Tiến Hinh (2014), Điều tra rừng, Giáo trình trường Đại Học Lâm Nghiệp Việt Nam, NXB NN Hà Nội.
Ngô Kim Khôi (1998), Thống kê toán học trong Lâm nghiệp, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.