Tóm tắt
Một thí nghiệm theo mô hình CRD với tổng số 30 cặp mẹ con, chia đều làm 5 lô (ĐC1-bò nội thuần; ĐC 2 và các lô TN1, TN2 và TN3 đều là mẹ lai Sind và phối tinh Sind) đã được tiến hành từ tháng 12/2012 đến tháng 4/2014 tại xã Cam Tuyền, huyện Cam lộ, tỉnh Quảng Trị. Bò ở 2 lô đối chứng (ĐC 1 và ĐC 2) được chăn thả 8 giờ/ngày và có rơm khô ăn tự do tại chuồng vào ban đêm. Bò ở các lô thí nghiệm cũng được ăn khẩu phần cơ sở tương tự như bò đối chứng, ngoài ra bò ở lô TN1 được ăn 1 kg tinh/con/ngày trong thời gian 2 tháng trước khi đẻ; bò ở lô TN 2 và TN3 được bổ sung 1 kg tinh/con/ngày trong thời gian 2 tháng trước và 2 tháng sau khi đẻ. Bê ở lô TN1 và TN3 theo mẹ hoàn toàn, không được ăn thức ăn tinh, trong khi đó bê ở lô TN2 được cho ăn thức ăn tinh 5 bữa ngày với lượng không hạn chế và bắt đầu vào ngày thứ 7 sau khi đẻ. Khối lượng bê ở các lô đã được xác định tại lúc sơ sinh và tại các tuần tuổi thứ 4, 8, 12 và 16. Kết quả cho thấy, khối lượng sơ sinh của bê ĐC 1 nhỏ hơn nhiều so với bê ở các lô còn lại. Sự khác biệt này cũng duy trì ở tất cả các thời điểm sau đó. Tuy vậy, không có sự khác biệt về khối lượng sơ sinh giữa các lô thí nghiệm và giữa các lô thí nghiệm với ĐC 2. Sự chênh lệch về khối lượng bê giữa các lô chỉ thực sự rõ ràng kể từ tuần tuổi thứ 8. Đến 16 tuần tuổi, bê ở lô TN2 (cả mẹ và con đều được bổ sung tinh) là 86,4 kg cao hơn bê ở lô TN1 (74,1 kg), lô TN3 (75,7kg) và ĐC 2 (66,5kg), với mức tương ứng là 30, 14 và 16%. Kết quả nghiên cứu đã thể hiện rõ ảnh hưởng tích cực của các phương thức bổ sung thức ăn tinh cho mẹ và con đến phát triển khối lượng của bê trong giai đoạn bú sữa.
-----------------
Từ khoá: Bổ sung thức ăn tinh cho mẹ và con; khối lượng bê sơ sinh, 4, 8 và 16 tuần tuổi