SỬ DỤNG CHỈ SỐ SINH HỌC EPT ĐÁNH GIÁ NHANH CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC Ở LƯU VỰC HỒ TRUỒI, HUYỆN PHÚ LỘC, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Tóm tắt

Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành sử dụng ấu trùng côn trùng ở nước (aquatic insect) của ba bộ: Phù du (Ephemeroptera), Cánh úp (Plecoptera) và Cánh lông (Trichoptera) làm chỉ thị sinh học để đánh giá chất lượng nước mặt ở 6 điểm tại lưu vực hồ Truồi thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua hệ thống tính điểm chống chịu của các họ côn trùng ở nước của Hilsenhoff (1988) và chỉ số sinh học EPT (Schmiedt et al., 1998).

Đã xác định được 14 họ côn trùng ở nước thuộc ba bộ, bộ Phù du có 8 họ (chiếm 57,14%), có 2 họ không tham gia tính điểm (Teloganodidae, Isonychiidae); Cánh úp 3 họ (chiếm 21,43%), trong đó có 1 họ không tham gia tính điểm (Peltoperlidae) và Cánh lông 3 họ (chiếm 21,43%). Xét mối quan hệ giữa chất lượng nước và chỉ số EPT, cho thấy chất lượng nước mặt ở lưu vực hồ Truồi hầu hết ở tình trạng không bị tác động, giữa các điểm khảo sát có chỉ số sinh học EPT khác nhau, dao động trong khoảng 2,55 – 3,78. Chất lượng nước ở vùng nghiên cứu nằm trong giới hạn tốt đến rất tốt; có thể cung cấp cho các mục đích khác nhau: phục vụ cho sinh hoạt, cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp và giải trí.

Tính đa dạng số lượng cá thể côn trùng ở nước theo các điểm nghiên cứu có sự khác nhau, điểm M1 thu được số lượng phong phú nhất (77 cá thể), tiếp đến là M5 (57 cá thể), trong khi đó tại điểm M2 lại thấp nhất (22 cá thể), điểm M3 có 36 cá thể, điểm M4 có 40 cá thể và M6 có 38 cá thể.

Từ khóa: Phù du, Cánh úp, Cánh lông, EPT, DO, BOD5, COD, chất lượng môi trường nước, hồ Truồi.

https://doi.org/10.26459/jard.v85i7.3069