Sự biến động theo độ sâu của đặc điểm trầm tích đầm Sam khu vực huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

Abstract

Tiểu khu đầm Sam thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) có dạng lõm sâu vào đất liền về phía Tây Nam, giới hạn ngoài với đầm Thanh Lam bởi đường nối mũi Đồng Miệu và mũi Hàn. Kết quả nghiên cứu biến động đặc điểm trầm tích (gồm thành phần hạt, thành phần khoáng vật và hóa học) theo độ sâu (từ mặt đáy xuống sâu 1.0-1.3 m) của 5 mẫu lõi trầm tích (N588, N589, N591, N593 và N595) cho thấy đặc điểm biến đổi trầm tích phụ thuộc vào vị trí của mẫu và có xu hướng hạt thô dần khi xuống sâu (tầng mặt nhóm hạt cát chiếm 65.1-74.5% và đạt 100% bắt đầu từ độ sâu 0.6 m). Thành phần khoáng vật của trầm tích chủ yếu gồm thạch anh, illit, kaolinit, felsdpat, goethit và pyrit; khoáng vật nặng chiếm không đáng kể. Hàm lượng thạch anh tăng theo chiều sâu tương ứng với sự gia tăng của nhóm hạt cát. Sự có mặt của pyrit và lưu huỳnh (0.16-1.79%) kèm theo mùi nồng H2S trong tất cả các mẫu chỉ thị cho môi trường khử và yếm khí trong suốt quá trình tích lũy chiều dày trầm tích. Hàm lượng Si tương quan thuận với hàm lượng nhóm hạt cát, hàm lượng Fe, Al Mn, Mg, K và tổng lượng nguyên tố vết tương quan thuận với nhóm hạt sét. Cu, Ni, Sr và Zn giảm nhẹ, Co tăng nhẹ theo chiều sâu, còn Zr tăng ở tầng giữa. Hàm lượng các nguyên tố hàm lượng các nguyên tố Cr (33-144 mg/kg), Cu (17-63 mg/kg), Zn (33-147 mg/kg), As (<10 mg/kg) và Pb (<20 mg/kg) đều dưới ngưỡng cho phép của QCVN 43:2012/BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường về chất lượng trầm tích nước lợ. 

https://doi.org/10.26459/hueuni-jese.v126i4A.4326