Abstract
Trong bối cảnh nước ta hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày một sâu sắc, trong đó tôm nuôi là sản phẩm hàng hóa có khả năng hội nhập lớn nhưng cũng đứng trước thách thức cạnh tranh gay gắt, đặc biệt trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tôm nuôi ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có lợi thế so sánh cao trên thị trường thế giới với điều kiện môi trường không bị ô nhiễm, dịch bệnh không xảy ra và không sử dụng chất kháng sinh trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu bỏ ra 0,7523 USD chi phí nội nguồn để nuôi tôm và xuất khẩu sẽ thu về một lượng giá trị ngoại tệ gia tăng là 1 USD. Với các kịch bản: chi phí nội nguồn tăng 5%, 10%, 15%, 30%; chi phí ngoại nguồn tăng 5%, 10%, 15% và thậm chí 30%; chi phí ngoại nguồn tăng 5%, 10%, 15%, 30% và giá tôm xuất khẩu giảm 5%, 10%, 15% và 30% nhưng các hệ số DRC/SER phần lớn vẫn nhỏ hơn 1, tức lợi thế so sánh sản phẩm tôm nuôi ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vẫn được duy trì. Ngoại trừ, trong 3 trường hợp xấu nhất, chi phí nội nguồn và chi phí ngoại nguồn đều tăng 30% trong khi đó giá tôm xuất khẩu giảm 30%, chi phí nội nguồn và chi phí ngoại nguồn đều tăng 15% trong khi đó giá tôm xuất khẩu giảm 15% và trường hợp giá tôm xuất khẩu giảm 30% thì nuôi tôm ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định sẽ không có lợi thế so sánh. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ xảy ra trong hi hữu.