Abstract
Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) quê làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên, hiện nay là thôn Trường Xuân thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Khi còn rất nhỏ thiền sư Liễu Quán đã vào tu ở chùa Hội Tôn tại quê nhà, sau đó ông ra Thuận Hóa và đã từng học đạo với các thiền sư thuộc cả hai thiền phái có gốc từ Trung Quốc, đó là Lâm Tế và Tào Động. Quảng đường tu học của ông trải nhiều gian lao với nhiều phương pháp khác nhau, nhưng chính vì vậy mà ở ông đã hình thành một phong cách mới: đó là quan niệm Lâm Tào tổng hợp, tức là đã có sự kết hợp một cách hài hòa và tự nhiên những tinh hoa của cả hai phái thiền lớn thời bấy giờ ở Thuận Hóa. Không những thế, thiền sư Liễu Quán đã trở thành người có công trong việc đưa Phật giáo xích gần thêm với văn hóa dân tộc, đặc biệt là ở lĩnh vực tín ngưỡng dân gian, góp phần quan trọng trong việc chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ XVIII. Sự nghiệp của ông đã có ảnh hưởng rất sâu rộng trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam từ đó đến nay.